Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, vùng cung cấp sản lượng lương thực quan trọng của cả nước, nơi có sản phẩm xuất khẩu dồi dào và đa dạng, đặc biệt là gạo và hàng thủy sản, nông sản thực phẩm chế biến. Đây là vùng có nhiều tiềm năng kinh tế để phát triển sản xuất, đồng thời cũng là nơi tiêu thụ hàng hóa và cung cấp dịch vụ lớn cho khu vực và cả nước.
1-Vị trí địa lý:
Sóc Trăng nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh 231km, cách Cần Thơ 62km. Diện tích tự nhiên 3.310,03 km², xấp xỉ 1% diện tích của cả nước và 8,3% diện tích của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Sóc Trăng có địa giới hành chính tiếp giáp 3 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ở phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, ở phía Tây Nam giáp Bạc Liêu, ở phía Đông Bắc giáp Trà Vinh và giáp biển Đông ở phía Đông và Đông Nam. Sóc Trăng nằm trên tuyến Quốc lộ 1A nối liền các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Quốc lộ 60 nối Sóc Trăng với các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Tỉnh có đường bờ biển dài 72 km. Vị trí tọa độ: 9 độ 12’ – 9 độ 56’ độ vĩ Bắc và 105 độ 33’ – 106 độ 23’ độ kinh Đông.
2. Đơn vị hành chính; dân số:
Sóc Trăng gồm 09 huyện, 01 thị xã và 1 thành phố với 109 xã, phường, thị trấn. Thành phố Sóc Trăng là trung tâm hành chính của tỉnh.
Theo thống kê ngày 01/4/2009, toàn tỉnh hiện có 1.289.441 người; trong đó, thành thị chiếm 251.328 người, nông thôn 1.038.113 người. Tổng dân số nam là 641.422 người, nữ 648.019 người.
Mật độ dân số trung bình hiện nay của tỉnh là 389 người/km², thấp hơn mức trung bình ở Đồng bằng sông Cửu Long (434 người/km²). Dân số phân bổ không đều, tập trung đông ở vùng ven sông Hậu và các giồng đất cao, nơi có điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế. Cơ cấu này sẽ thay đổi theo quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chiến lược phát triển của tỉnh trong tương lai. Ở Sóc Trăng, ngoài người Kinh chiếm tỷ lệ khoảng 65,28% dân số còn có nhiều dân tộc khác cùng chung sống, trong đó người Khmer chiếm 28,9%, người Hoa chiếm 5,9%. Thêm vào đó còn có người Nùng, Thái, Chăm... nên đời sống và sinh hoạt văn hóa của người dân Sóc Trăng rất đa dạng và phong phú.
3. Giao thông (thủy, bộ):
Từ Sóc Trăng có thể đi đến trung tâm các tỉnh, các đô thị khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khắp vùng Nam bộ bằng cả đường bộ lẫn đường thủy. Cùng với hệ thống kinh rạch và 8 tuyến tỉnh lộ dài 277 km, các tuyến đường liên huyện, liên xã nối liền các huyện, thành phố thành hệ thống giao thông thủy, bộ khá thuận lợi.
Sóc Trăng có 72 km bờ biển với 3 cửa sông lớn Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh hình thành lưu vực rộng lớn thuận lợi cho giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy hải sản, làm muối... khai thác biển, đánh bắt xa bờ
4. Khí hậu:
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu Sóc Trăng chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 27°C, độ ẩm trung bình là 83%.
5. Tiềm năng phát triển kinh tế:
Nhờ vào địa thế đặc biệt, nơi dòng sông Hậu đổ ra biển Đông Nam bộ, vùng có nhiều trữ lượng tôm cá, Sóc Trăng có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển tổng hợp.
Đất đai của Sóc Trăng có độ màu mỡ cao, thích hợp cho việc phát triển cây lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, đậu nành, bắp, các loại rau màu như hành, tỏi và các loại cây ăn trái như bưởi, xoài, sầu riêng... Hiện đất sử dụng cho nông nghiệp chiếm 84,03%, đất lâm nghiệp 4,40%, đất chuyên dùng và các loại đất khác 11,57%. Trong tổng số 278.154 ha đất nông nghiệp có 160.910 ha sử dụng cho canh tác lúa, 18.319 ha dùng trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày, 40.911 ha dùng trồng cây lâu năm và cây ăn trái.
Với cấu tạo địa chất trẻ, hình thành trong quá trình lấn biển của châu thổ sông Cửu Long, tính chất địa hình nơi đây thể hiện rõ nét bằng những giồng cát hình cánh cung đồng phương với bờ biển từ Sóc Trăng đến Vĩnh Châu.
Mặc dù còn một số hạn chế về điều kiện tự nhiên như thiếu nước ngọt và bị xâm nhập mặn trong mùa khô, một số khu vực bị nhiễm phèn, nhưng việc sử dụng đất ở Sóc Trăng lại có nhiều thuận lợi cơ bản để phát triển nông, ngư nghiệp đa dạng và trên cơ sở đó hình thành những khu du lịch sinh thái phong phú.
Đặc biệt, Sóc Trăng còn có dải cù lao thuộc huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung chạy dài ra tận cửa biển với nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành như cồn Mỹ Phước, Khu du lịch Song Phụng, Cù Lao Dung... là địa điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Hệ thống kinh rạch của tỉnh chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều ngày lên xuống 2 lần, mực triều dao động trung bình từ 0,4 m đến 1 m. Thủy triều vùng biển không những gắn liền với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cư dân địa phương, mà còn mang lại nhiều điều kỳ thú cho du khách khi đến tham quan, du lịch và tìm hiểu hệ sinh thái rừng tự nhiên.
Ngoài ra, Sóc Trăng còn có nguồn tài nguyên rừng với diện tích 12.172 ha với các loại cây chính : Tràm, bần, giá, vẹt, đước, dừa nước phân bố ở 4 huyện Vĩnh Châu, Long Phú, Mỹ Tú và Cù Lao Dung. Rừng của Sóc Trăng thuộc hệ rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ở khu vực đất nhiễm phèn.
Những kết quả thăm dò bước đầu cho thấy có triển vọng về khai thác dầu và khí đốt tại vùng thềm lục địa ngoài khơi gần Sóc Trăng.
6. Đất đai:
Tổng diện tích: 322.330 ha
Sóc Trăng là vùng đất trẻ, được hình thành qua nhiều thế kỷ lấn biển nên địa hình bao gồm phần đất bằng, xen kẽ là những vùng trũng và các giồng cát với cao trình phổ biến ở mức 0,5-1,0 m so với mặt biển, nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam và có hai tiểu vùng địa hình chính: Vùng ven sông Hậu với độ cao 1,0-1,2 m, bao gồm vùng đất bằng và những giồng cát hình cánh cung tiếp nối nhau chạy sâu vào giữa tỉnh; vùng trũng phía Nam tỉnh với độ cao 0-0,5 m, thường bị ngập úng dài ngày trong mùa lũ.
Ngoài ra, Sóc Trăng còn có những khu vực nằm giữa các giồng cát, không hình thành vùng tập trung với độ cao trung bình 0,5-1,0 m.
7. Nguồn gốc tên gọi Sóc Trăng:
Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ", "cõi", Kh'leang là "kho", "vựa", "chỗ chứa bạc". Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó đọc thành Sóc Trăng. Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng đuợc đổi tên thành Nguyệt Giang tỉnh (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi được đổi thành Nguyệt Giang).
8. Ẩm thực:
Về Sóc Trăng, du khách hãy dành thời gian thưởng thức các món ăn đặc sản, nhất là bún nước lèo, lẩu mắm, bún xào, bún gỏi già, cháo cá lóc... Ngoài ra, bánh pía, mè láo, các loại lạp xưởng thịt, tôm, cá, và tôm khô, tôm sú, củ hành tím, các loại trái cây miệt vườn . . . cũng trở thành những đặc sản nổi tiếng của Sóc Trăng. Tất cả đều có thể trở thành món quà đậm đà sắc thái vùng sông nước miền Tây để du khách mang về làm quà cho người thân.
9. Du lịch:
Ngoài những đặc điểm chung của Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng còn là nơi hội tụ nền văn hoá đa dân tộc, là xứ sở của lễ hội. Về thăm Sóc Trăng, quý khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo của những ngôi chùa cổ kính; cùng vui với không khí náo nhiệt, sôi nổi của các Lễ hội truyền thống đua ghe Ngo của dân tộc Khmer. Trong tương lai, Lễ hội được nâng lên thành Festival đua ghe Ngo Quốc tế Sóc Trăng. Ngoài ra, quý khách còn được hoà mình vào thiên nhiên với cảnh sông nước mênh mông, vườn cây ăn trái trĩu quả hay rừng tràm, rừng bần, rừng đước bạt ngàn của vùng hạ lưu sông Hậu hữu tình mến khách, đem lại sự thoải mái, hấp dẫn cho chuyến đi.